Nhà thiết kế Thủy Nguyễn mang nhà rông trưng bày tại Pháp

Với tác phẩm sắp đặt mang tên Silver room (tạm dịch: Nhà bạc), nhà thiết kế – họa sĩ Tia Thủy Nguyễn là người Việt đầu tiên có tác phẩm trưng bày tại khu phức hợp Château La Coste nổi tiếng của Pháp.

Silver room của Tia Thủy Nguyễn được xuất hiện trang trọng bên cạnh các tác phẩm từ những nghệ sĩ, nhà điêu khắc danh tiếng thế giới như: Louise Bourgeois, Andy Goldsworthy, Tracey Emin, Alexander Calder, Richard Serra, Ai Weiwei… Tác phẩm được lấy cảm hứng từ kiến trúc của những ngôi nhà rông Tây Nguyên và mang kích cỡ tương đương một căn nhà thật với tổng chiều cao 16.2m, rộng 6m, dài 14.9m… Đặc biệt là khối bạc lớn nằm bên trong ngôi nhà.

“Chỉ có già làng Ynut mới biết cách dựng mái, buộc tre và hướng dẫn một nhóm thanh niên thực hiện vì nó cực khó. Nghệ thuật Việt Nam đang trên đà phát triển và tôi hy vọng sẽ còn nhiều nữa những tiếng nói mang văn hóa, nghệ thuật Việt Nam vươn khắp thế giới.”

Tia Thủy Nguyễn chia sẻ.

Để hoàn thành tác phẩm, Tia Thủy Nguyễn phải mất 10 tháng để cùng già làng Ynut (một nghệ nhân tại Pháp) tìm được vật liệu gỗ phù hợp và xử lý gỗ thật kỹ trước khi ráp thành tác phẩm. Toàn bộ hệ thống có 26 cột nhà và sàn được làm từ khoảng 1.300m3 gỗ sến đỏ và cấu trúc mái mở được dựng từ những thân tre già cao từ 4 đến 12m. Tất cả mối nối của nhà rông đều buộc bằng dây, không dùng đinh.

“Chỉ có già làng Ynut mới biết cách dựng mái, buộc tre và hướng dẫn một nhóm thanh niên thực hiện vì nó cực khó. Nghệ thuật Việt Nam đang trên đà phát triển và tôi hy vọng sẽ còn nhiều nữa những tiếng nói mang văn hóa, nghệ thuật Việt Nam vươn khắp thế giới”, Tia Thủy Nguyễn chia sẻ.
Trong ngày khai mạc mới đây, hơn 50 khách mời là những nhà sưu tập, nghệ sĩ đến từ Brazil, Pháp, Anh, Mỹ… đã dành cho Tia Thủy Nguyễn nhiều lời khen về kiến trúc nhà rông của Tây Nguyên và kỹ thuật dát quỳ bạc của Việt Nam (được làm từ làng Kiêu Kỵ – huyện Gia Lâm, Hà Nội). Qua tác phẩm, nghệ sĩ còn chuyển tải đến người xem khắp thế giới các kiến trúc ở Tây Nguyên, nghi lễ Phật giáo, sử thi, mỹ thuật Việt…
Sau tác phẩm này, cô nhận được khá nhiều lời mời từ những phòng tranh uy tín và một số trung tâm nghệ thuật tại Pháp. Là người Việt đầu tiên có tác phẩm trưng bày tại một khu phức hợp nổi tiếng của Pháp, Tia Thủy Nguyễn khát khao đưa tác phẩm sắp đặt Việt Nam vươn ra thế giới nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Tia Thủy Nguyễn (nhà thiết kế trang phục cho phim Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng…) từng nhận được học bổng tại Học viện Nghệ thuật và kiến trúc quốc gia Kiev, (Ukraine) và đã lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ về nghệ thuật năm 2014 tại đây.

Tia-Thủy Nguyễn (sn. 1981, Ho Chi Minh City) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2006), cô nhận được học bổng tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc Quốc gia Kiev, Ukraine, nơi cô tiếp tục theo học Thạc sĩ và lấy bằng Tiến sĩ về nghệ thuật năm 2014.

Tia-Thủy Nguyễn có thâm niên gần 20 năm thực hành hội họa trên đa dạng chất liệu. Các tác phẩm của cô thường tập trung phóng chiếu những quan sát của cô với thế giới xung quanh, thể hiện những cảm xúc hỗn độn nhưng đầy màu sắc của người phụ nữ thế giới hiện đại. Ý thức về những khó khăn của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam, năm 2016, Tia thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, không gian đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại, nhằm kết nối cộng đồng nghệ sĩ, thiết kế, sáng tạo và tạo dựng một nền tảng mang tính giáo dục, phản biện.

Nghệ sĩ Tia thách thức những định nghĩa cổ hủ về vai trò của người phụ nữ, bằng chính những thành tựu của nhân mình trong nhiều lĩnh vực: làm mẹ, nhà thiết kế thời trang và nghệ sĩ thị giác. Các tác phẩm nghệ thuật của Tia đã được trưng bày, sưu tập và đấu giá tại nhiều nơi trong nước và quốc tế. Gần đây nhất, tạp chí Forbes vinh danh cô là một trong ‘50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019”.

Bài viết liên quan