Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp – Một chặng đường phát triển

N

ăm 2008, được sự chấp thuận của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa Pháp, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã được thành lập, đặt trụ sở tại địa chỉ 19 Rue Albert 75013 Paris. Trung tâm có nhiệm vụ góp phần phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, thể thao, du lịch, truyền thông, khoa học, kỹ thuật và giới thiệu trực tiếp cho công chúng sở tại những giá trị truyền thống và những thành tựu phát triển của Việt Nam, xưa và nay. (ảnh bên: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Trung tâm)

Mục tiêu của Trung tâm đã và đang thực hiện là tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng bá và giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt, nhạc cụ truyền thống, võ cổ truyền dân tộc, giới thiệu và trình chiếu các bộ phim truyện và tài liệu Việt Nam, tổ chức mọi hoạt động khác cho phép công chúng hiểu rõ hơn về nước Việt Nam ngày nay.

Năm 2011, Trung tâm đã vượt qua nhiều khó khăn về mọi mặt của một cơ sở văn hóa mới thành lập, mang đến cho khán giả nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, được tổ chức trong và ngoài trụ sở của mình. Đáng chú ý là chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp vào tháng 5 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh với nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gõ cấp cao và đặc biệt là chương trình «Duyên dáng Việt Nam » tại Hội chợ Tours 2011. “Tháng Việt Nam” tại thành phố Lorient với một loạt các cụộc triển lãm, hội thảo và hai buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại Nhà hát lớn Lorient của Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc đã được bạn bè Pháp đánh giá cao về sự phong phú và hấp dẫn của văn hóa, con nguời Việt Nam. Chương trình “Việt Nam ngày nay” phối hợp với Hội Ái hữu Pháp-Việt tại Dreux, với đêm nghệ thuật và cuộc diễu hành của đoàn Việt Nam trên các xe hơi cổ đã diễn ra ấn tượng và đầy màu sắc.

“Mục tiêu của Trung tâm đã và đang thực hiện là tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng bá và giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt, nhạc cụ truyền thống, võ cổ truyền dân tộc, giới thiệu và trình chiếu các bộ phim truyện và tài liệu Việt Nam, tổ chức mọi hoạt động khác cho phép công chúng hiểu rõ hơn về nước Việt Nam ngày nay.”

Các nội dung của «Tuần lễ văn hóa nước ngoài tại Paris» vào tháng 9 do Trung tâm chủ trì thực hiên trong khuôn khổ Diễn đàn các Trung tâm Văn hóa nước ngoài tại Paris cũng đã được triển khai. Cuộc triển lãm «Con đường di sản», các chương trình nghệ thuật dân tộc và hiện đại, các lớp học giao lưu, bao gồm lớp tiếng Việt và văn hóa Việt, lớp đàn tranh, lớp võ cổ truyền, câu lạc bộ cắm hoa nghệ thuật, chương trình phim đã thu hút hàng ngàn người đến với Trung tâm trong suốt thời gian tổ chức. Hội báo Nhân đạo 2012, với triển lãm hình ảnh Việt Nam và sự có mặt của đoàn nghệ thuât ca múa nhạc Việt Nam trong tháng 9 là sự khám phá văn hóa Việt trong không gian rộng lớn của Hội báo này.

Các cuộc triển lãm, hoạt động nghệ thuật thường kỳ được Trung tâm tổ chức thường xuyên tại trụ sở : Triển lãm tranh và điêu khắc của họa sỹ Việt kiều Trọng Chánh – Duy Nga, triển lãm ảnh “Tết và dân tộc thiểu số Việt Nam” của tác giả Gérard Domise, triển lãm ảnh về Vịnh Hạ Long, triển lãm tranh của 2 họa sỹ Đỗ Đức và Lê Huy Tiếp với chủ đề “Việt Nam quê hương tôi”, triển lãm và buổi nói chuyện về « Ký ức những ngày độc lập đầu tiên ở Hà Nội »với sự tham gia của nhà sử học Dương Trung Quốc, Đêm thơ « Tình tự Hà nội » của nhà thơ Vi Thùy Linh, đêm trình diễn « Khúc tri âm-tiếng hát Hoàng Lan », Việt kiều tại Pháp, triển lãm «Việt Nam, điểm đến của đầu tư văn hóa, du lịch », tọa đàm về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam … là những hoạt động đáng chú ý trong suốt một năm qua.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Trung tâm đang xúc tiến thực hiện kế hoạch 2012. Tết cổ truyền Nhâm Thìn đã diễn ra, các đoàn quan họ Bắc Ninh và Bắc Giang, triển lãm « Văn hóa quan họ Việt Nam » đã mang đến cho khán giả tại trụ sở Unesco ở Paris, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, trụ sở của Trung tâm, tại Arcueil, Villebanne… những giá trị đích thực của một di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại được Unesco công nhận. Từ nay đến cuối năm, các cuộc triển lãm có quy mô như Tranh Công ( Le Galbisme) của tác giả Nguyễn Văn Tâm, « Biển và hải đảo Việt Nam », « Hà Nội, 36 Phố phường », « 100 Năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp », « Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên », « Hoàng thành Thăng Long », « Hoa sen- Quốc hoa Việt Nam », « Việt Nam- Văn hóa ngàn năm », « Lễ hội văn hóa truyền thống Việt Nam »… hay các cuộc biểu diễn nghệ thuật « Yêu dấu khôn nguôi », « Văn hóa ca trù Việt Nam » cũng sẽ lần lượt được giới thiệu với công chúng Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Năm 2013 đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp. Một kế hoạch giới thiệu tổng quan về văn hóa, nghệ thuât Việt Nam tại Pháp đang được chuẩn bị và xúc tiến với các cuộc triển lãm hoàng tráng, các chương trình nghệ thuật truyền thống, mang đến cho khán giả Paris và nhiều địa phương ở Pháp một cái nhìn chân thực, sống động về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Tóm lại, một chặng đường ba năm không phải là dài, nhưng có thể nói Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã không ngừng phát triển, triển khai hiệu quả và có chất lượng nhiều chương trình, dự án có quy mô, đặc biệt chú trọng và phát huy vai trò của mình trong hợp tác với các chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội có tầm ảnh hưởng lớn. Trung tâm đã thu hút manh mẽ bạn bè Pháp đến tìm hiểu và trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của cộng đồng người Việt. Các mối quan hệ chặt chẽ, có chiều sâu giữa Trung tâm với các Hội, đoàn có liên quan đến Việt Nam tại Pháp đã đựoc hình thành. Các thiết chế văn hóa Pháp, các cơ quan báo chí Việt Nam và Pháp, các cá nhân Việt kiều, các công tác viên thân thiết của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đă trở thành các đối tác tin cậy trong giao lưu, hợp tác văn hóa đối ngoại.

Thương hiệu CCV tại Pháp đã trở nên gần gũi và quen thuộc đối với bạn bè Pháp và Việt kiều.. Một « Ngôi nhà sinh hoạt chung » và đất diễn cho các nghệ sỹ Việt kiều tại Pháp đã đựoc khẳng định. Các chương trình nghệ thuật của nghệ sỹ Việt kiều, sinh hoạt văn hoá, hội họp, khiêu vũ, ca hát, lớp võ cổ truyền, các lớp học tiếng Việt và nghệ thuật, các triển lãm, hội thảo, trưng bày, biểu diễn…đều được Trung tâm hỗ trợ tổ chức trong điều kiện tốt nhất Việc huy động nguồn lực tại chỗ nhằm làm cho không khí các hoạt động tại Trung tâm thực sự mang mầu sắc Việt Nam và hướng về đất nước là một trong những mục tiêu thực hiện nhiệm vụ quảng bá của mình.

Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp đã thể hiện những nỗ lực và cố gắng hết sức mình trong năm qua với mục tiêu cao cả là mang đến cho công chúng Pháp và bà con Việt kiều những hình ảnh và giá trị truyền thống của văn hoá Việt Nam, phát huy vai trò và vị trí của Trung tâm giữa lòng thủ đô ánh sáng./.

Đỗ Đức Long – Phó giám đốc Trung tâm

Bài viết liên quan

Không có dữ liệu