Tinh hoa võ Việt

N

ếu như người Trung Quốc tự hào với những môn võ truyền thống như Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang; người Nhật Bản có Karate, Kendo, Sumo; người Hàn Quốc, Triều Tiên có Taekwondo; người Indonesia, Malaysia có Pencat Silat, Campuchia có Botakor… thì người Việt Nam có quyền tự hào với những môn võ cổ truyền nổi tiếng như: Bình Định,Nhất Nam, Tân Khánh-Bà Trà, Bạch Hổ, Bình Định Sa Long Cương, Vovinam…và hơn trăm môn võ độc đáo khác trong kho tàng di sản võ cổ truyền đồ sộ của mình.
Tự hào võ Việt

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hoá truyền thống của người Việt, là tên gọi chung cho những môn phái võ thuật do người Việt sáng tạo, hoặc những môn võ du nhập vào Việt Nam nhưng đã được ngườiViệt “Việt hóa” cho phù hợp với thể trạng, văn hóa, triết lí võ học của người Việt và được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong trường kì lịch sử suốt mấy nghìn năm của dân tộc.

Trải qua hàng nghìn năm, người Việt đã xây dựng nên một nền võ học cổ truyền toàn diện với đầy đủ các mặt gồm: võ lí, võ lễ, võ đạo, võ kinh, võ cử, võ trận, võ thuật, võ y (y học cổ truyền kết hợp với các chiêu thức, kĩ thuật trong võ thuật để chữa bệnh), võ nhạc và cả võ phục.

Về mặt kĩ thuật, võ cổ truyền Việt Nam không lấy sự hoa mĩ trong đòn thế làm trọng, nhưng cũng không quá thiên về sự cương mãnh như những môn võ khác trên thế giới. Võ cổ truyền Việt Nam đòn thế thực dụng, linh hoạt, phù hợp với thể trạng và điều kiện thực tế của người Việt. Vì vậy, triết lí cơ bản của võ cổ truyền Việt Nam là lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều, lấy ngắn thắng dài, lấy công làm thủ, cương nhu hài hòa, đòn thế đơn giản nhưng hiểm hóc, hiệu quả; lúc tấn công thì nhanh nhẹn, biến hóa khôn lường, lúc phòng thủ thì vô cùng kín đáo, chặt chẽ nên mang tính thực chiến cao.

“Hiện cả nước có trên 700 võ đường, câu lạc bộ với trên 100 môn phái, võ phái và lò võ đang hoạt động, thu hút khoảng 60 ngàn võ sinh tham gia tập luyện võ cổ truyền với khoảng 600 võ sư cấp 18 (cấp cao nhất), 500 huấn luyện viên cao cấp (cấp 17), 550 huấn luyện viên trung cấp (cấp 15, 16).
(Nguồn: Đề án “Bảo tồn và Phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”
của Tổng Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)”

Việc sử dụng binh khí cũng vậy, ngoài cung tên, giáo, mác, côn, đao, kiếm, kích… người Việt còn sáng tạo ra nhiều loại binh khí “đặc dị” ít thấy trong nền võ học của các nước, thậm chí còn rất giỏi trong việc biến nhiều vật dụng có sẵn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày như cuốc, xẻng, mái chèo, đòn gánh, ghế,điếu cày, chum vại, dây dợ, khăn khố… thành những thứ vũ khí lợi hại để sẵn sàng tự vệ khi có biến.

Về phương diện nhà nước, các triều đại xưa rất coi trọng nghiệp võ, điển hình như việc nhà Trần (TK 13) đã cho mở Giảng Võ đường để làm nơi rèn luyện võ nghệ cho hoàng thân quốc thích; nhà Lê (TK 18) và nhà Nguyễn (TK 19) ngoài việc mở các kì thi võ để tuyển chọn nhân tài võ học cho đất nước còn xây dựng cả Võ Miếu để lưu danh võ nghiệp.

Với những giá trị độc đáo ấy, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Namcho biết, được sự đồng ý của Chính phủ, Liên đoàn đang nỗ lực thực hiện nhiều chương trình mang tính chiến lược dài hơi để khôi phục, bảo tồn, phát triển và tăng cường quảng bá võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới như: tham gia xây dựng Đề án “Bảo tồn và Phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”; thành lập Học viện Võ cổ truyền Việt Nam; thành lập Hội đồng Võ sư Võ cổ truyền Việt Nam gồm những võ sư danh tiếng để tiến hành khảo sát, nghiên cứu các bài võ cổ, các kĩ chiến thuật đặc thù của các môn phái lớn trên toàn quốc; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thi đấu và biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam; xây dựng hệ thống giải thi đấu cấp châu lục và quốc tế…

Với những giá trị độc đáo riêng có, nền võ học cổ truyền Việt Nam tự hào có thể sánh ngang với các nền võ học lớn trên thế giới.

Sức hút của võ Việt trên thế giới
Ước tính trên thế giới hiện có khoảng hơn 400 trung tâm đào tạo, huấn luyện võ cổ truyền Việt Nam tại gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với sự tham gia của hàng trăm nghìn người luyện tập thường xuyên, trong đó có gần 1.000 võ sư, chuyên gia, huấn luyện viên trình độ cao. Điều đó cho thấy võ cổ truyền Việt Nam thực sự có sức hấp dẫn rất lớn đối với cộng đồng yêu võ thuật trên thế giới.

Trước 1975, võ cổ truyền Việt Nam đã xuất hiện ở một số nước, chủ yếu do các võ sư người Việt di cư sang mở võ đường dạy võ cho người Việt và người nước ngoài sinh sống tại nước sở tại. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là khi Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ra đời vào năm 1991, và tiếp đó là Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam ra đời năm 2015 thì phong trào truyền dạy và luyện tập võ cổ truyền Việt Nam trên thế giới thực sự trở thành một trào lưu phát triển mạnh mẽ. Không chỉ nhiều võ sư giỏi của Việt Nam được cử sang các nước truyền thụ võ công mà nhiều võ sư người nước ngoài vốn trước đó luyện tập các môn võ khác cũng tìm đến Việt Nam để thọ giáo những tinh hoa võ thuật của người Việt.

Những người tiên phong trong công tác truyền bá, giới thiệu võ học nước nhà ra ngoài biên giới có thể kể đến những võ sư tên tuổi như Lê Kim Hòa (Chưởng môn phái Thanh Long võ đạo), Ngô Xuân Bính (Chưởng môn phái Nhất Nam), Lâm Thành Khanh(Chưởng môn phái Hồng Gia quyền), Lê Đình Long (môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn)…

Ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), một cựu vô địch đấu kiếm Olympic người Đức, trong lần đến Việt Nam dự Asian Beach Games tại Đà Nẵng vào năm 2016 đã đến thăm võ đường Bạch Hổ Lâm của võ sư Hồ Văn Giáo ở Đà Nẵng. Tại đây ông đã vô cùng bất ngờ, ngạc nhiên trước phong trào, khí thế luyện tập võ nghệ đầy đam mê của người dân với đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi nên đã nhận xét rằng đây là một mô hình rất đáng để các nước có võ truyền thống tham khảo, học tập để bảo tồn và phát triển môn võ của mình.

Cho đến nay, Việt Nam đã tổ chức nhiều kì Liên hoan, Giải quốc tế về võ cổ truyền Việt Nam,trong đó có hai Giải Vô địch Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (2016 và 2018), và mới đây là Giải Cúp Thế giới võ cổ truyền lần thứ I tại thành phố Marseille, Pháp (5/2019), thu hút hàng nghìn lượt vận động viên, võ sư, nhà nghiên cứu võ thuật của hàng chục nước thuộc 5 châu lục đến tham gia.

Hiện nay, ngoài môn võ Vovinam đã từng góp mặt với tư cách là môn thể thao thi đấu chính thức tại SEAGames (2011, 2013), Asian Beach Games2015 và dự kiến sẽ tiếp tục có mặt tại SEAGames lần thứ 30 diễn ra ở Philippinesvào cuối năm 2019 này. Việt Nam cũng đang có tham vọng tìm kiếm con đường đưa Vovinam và một số môn võ cổ truyền trở thành môn thể thao thi đấu chính thức không chỉ ở SEAGames mà cả tại các kì đại hội thể thao lớn mang tầm châu lục và thế giới như các môn võ Wushu, Karate, Taekwondo…/.

Hiện nay, ngoài Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam còn có nhiều tổ chức, liên đoàn cấp khu vực, châu lục và quốc gia khác như: Liên đoàn châu Á Võ cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn Nam Á Võ cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn châu Phi Võ cổ truyền Việt Nan, Liên đoàn Đông Nam Á Võ cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp, Ý, Nga… Nhiều nước có phong trào võ cổ truyền Việt Nam phát triển mạnh như: Pháp, Ý, Nga, Iran, Ấn Độ, Angeria, Israel… Liên đoàn phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển võ cổ truyền đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và đến năm 2030 sẽ là 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có võ cổ truyền Việt Nam.

Bài: Thanh Hòa, Sơn Nghĩa
Ảnh: Thanh Giang, Sơn Nghĩa, Nguyễn Luân, Tư liệu Báo ảnh Việt Nam, TTXVN

Bài viết liên quan