Ởngay bên bờ con sông Seine thơ mộng của Paris, ngay đoạn vừa vượt qua cầu Saint Cloud, ở vùng Bologne-Billancourt ,có môt vạt cây cối màu xanh phủ kín một không gian 4 mẫu tây, Đó là một rừng cây thân lớn của các loại như tùng bách… xen kẽ với những vuờn hoa muôn sắc được thiết kế theo các phong cách cổ điển của Pháp, Anh và Nhật Bản. Và ẩn dưới sắc màu của cây cối , hoa lá và tài khéo của những nghệ nhân làm vườn ấy, là cả một kho báu của một thế giới sắc màu.
“Sinh ở vùng Alsace , sau khi rời ghế nhà trường ,Albert lên Paris làm việc cho một ngân hàng rồi thành đạt từ vệc kinh doanh vàng và kim cương mua từ Nam Phi. Đến khi bước vào tuổi “tam thập nhi lập” thì ông đã trở thành chủ một ngân hàng cổ phần và tậu được mảnh đất mà nay trở thành khu vườn và toà bảo tàng mang tên mình. Say mê với thú làm vườn nhưng đầu óc lại ưa đi đây đi đó , Albert Kahn sáng lập ra tua du lịch vòng quanh thế giới cho giới trẻ và tham gia nhiều hành trình qua nhiều quốc gia.”
Đó là Bảo tàng mang tên chủ nhân của không gian bất động sản này : Albert Kahn. Sắc màu được trưng bày trong bảo tàng này không phải là những bức tranh vẽ mà tại Paris đã có biết bao nhiêu nơi trưng bày những kiệt tác của các danh hoạ hàng đầu thế giới. Nó là những tấm ảnh màu chụp trên khắp thế giới, nhưng giá trị của nó là những bức ảnh được chụp vào ba thập kỷ đầu của thế kỷ XX khi công nghệ chụp ảnh màu mới được anh em nhà Lumière sáng chế lần đầu tiên được ứng dụng trên một quy mô lớn.
Giờ đây với công nghệ máy ảnh kỹ thuật số, con nít cũng có thể bấm nút cho ra những tấm ảnh màu sặc sỡ mà số lượng không thành vấn đề nhờ những tấm thẻ nhớ . Nhưng ở đầu thế kỷ trước để có được một tấm ảnh trắng đen đã khó mà để làm ra tấm ảnh màu còn khó và đắt gấp bội phần. Vì thế mà thế giới có một Albert Kahn (1860-1940).
Ông không phải là một nhà phát minh ra ảnh màu nhưng người bạn ông có cái tên tự thân nó đã phát sáng : Lumière ,đã phát kiến ra cả công nghệ chiếu hình mà sau này thành phim ảnh và công nghệ chụp ảnh màu (autochrome). Albert Kahn cũng không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh vì để có hàng vạn tấm ảnh chụp tại hơn nửa trăm quốc gia trên toàn thế giới vào thời gian đó thì không một ai làm nổi. Albert Kahn là một doanh nhân thành đạt trên lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
Sinh ở vùng Alsace , sau khi rời ghế nhà trường ,Albert lên Paris làm việc cho một ngân hàng rồi thành đạt từ vệc kinh doanh vàng và kim cương mua từ Nam Phi. Đến khi bước vào tuổi “tam thập nhi lập” thì ông đã trở thành chủ một ngân hàng cổ phần và tậu được mảnh đất mà nay trở thành khu vườn và toà bảo tàng mang tên mình. Say mê với thú làm vườn nhưng đầu óc lại ưa đi đây đi đó , Albert Kahn sáng lập ra tua du lịch vòng quanh thế giới cho giới trẻ và tham gia nhiều hành trình qua nhiều quốc gia…
Có lẽ vì tham gia vào những chuyến du khảo này mà Albert Kahn khao khát được tận hưởng mọi cảnh quan thiên nhiên và phong tục tập quán của các nền văn hoá trên trái đât; đồng thời ông cũng ý thức được rằng chẳng ai có thể một mình đi khắp trái đất này. Đầu thế kỷ XX, sự khao khát được đi khắp nơi cộng với công nghệ nhiếp ảnh và in ấn phát triển đã hình thành một thú chơi “bưu ảnh” bùng nổ ở nhiều nước châu Âu phát triển.
Nhận thấy phát minh ra công nghệ chụp ảnh màu có thể giúp cho nhiều người đựơc chiêm ngưỡng cảnh vật với sắc màu đầy quyến rũ của nó, Albert Kahn đã quyết định đầu tư một phần tài sản để thực hiện một ý tưởng khác thường. Đó là việc ông bỏ tiền mua thiết bị và thuê nhiều nhà nhiếp ảnh đi tới mọi quốc gia, ngóc ngách của thế giới để chụp những tấm ảnh màu , mang về Paris cho ông làm một bộ sưu tập độc đáo có một không hai.
Trong vòng 2 thập kỷ (1909-1931) những nhà nhiếp ảnh và quay phim đã đi khắp thế giới và mang về cho ông một tài sản vô giá mà ông đặt tên là “Thư khố Hành tinh” (Archives de la Planète). Chừng 72.000 tấm ảnh màu và 180.000 thước phim nhựa đen trắng (loại 35 mm) tương đương với 100 giờ chiếu phim đã được thực hiện và đem về khu vườn bên bờ sông Seine lưu giữ. Khi đang giàu có, Albert Kahn còn tài trợ cho nhiều hoạt động xã hội, khoa học và du lịch với tinh thần “ hiểu biết của con người làm phong phú thêm những giá trị văn minh nhân loại”.
Cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ vào năm 1929 từ Mỹ lan sang châu Âu khiến công việc kinh doanh của Albert Kahn bị đổ vỡ. Năm 1931, dự án “Thư khố Hành tinh” phải dừng lại. Năm 1932, Ngân hàng của ông phải tuyên bố phá sản. Khu vườn và cả “Thư khố Hành tinh” bị sung công. Năm 1937 thì khu vườn được chính quyền địa phương mở cho công chúng tham quan . Năm 1940, Albert Kahn từ trần trong cảnh độc thân và không có người thừa kế.
Kết cục, Albert Kahn là người phá sản trên doanh trường nhưng ông lại là một người thành đạt trên lĩnh vực văn hoá. Tiền bạc của ông có thể mất hết, nhưng di sản mà ông để lại, một khu vườn nghệ thuật và đặc biệt là một kho báu những tấm ảnh giữ lại sắc màu cùng thời gian của hành tinh này thì mãi mãi vẫn còn. Tên của ông vẫn gắn với những tài sản vô giá mà ý tưởng sáng suốt của ông đã tạo ra và để lại đến ngày nay và mãi mãi về sau.
Từ năm 1986, một nhà bảo tàng với 650m2 trưng bày đã được xây dựng để thường xuyên đón khách vào chiêm ngưỡng những tấm ảnh màu, những thước phim tư liệu và các dụng cụ của công nghệ nhiếp ảnh đầu thế kỷ XX, trong đó, đặc biệt quý giá là 72.000 phiến kính gốc được đặt trong những hộp các-tông sắp xếp trong những dẫy tủ của khu vực lưu trữ dành cho giới nghiên cứu (FAKIR). Riêng năm 2008 đã có tới 100.000 khách tới tham quan.
Nỗ lực của các nhân viên bảo tàng đã góp phần làm những tấm ảnh và những thước phim của “Thư khố hành tinh” , với sự đầu tư về công nghệ vẫn đang tiếp tục được “số hoá” để phục vụ rộng rãi người muốn đến khai thác. Những tấm ảnh màu của Bảo tàng Albert Kahn ngày càng có giá trị khi thời gian đã làm thay đổi diện mạo, cảnh vât đời sống của hành tinh chúng ta trong ngót một thế kỷ qua.
Hình ảnh về nước Pháp và của hơn năm mươi quốc gia trên thế giới vẫn được lưu giữ lại với màu sắc nguyên thuỷ của nó ; hình ảnh của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất, của nhiêù chính khách hay danh nhân ba chục năm đầu thế kỷ XX ; những phong tục tập quán của cư dân nhiều vùng đất xa xôi của các châu lục được ghi lại v.v… đã trở thành một phần ký ức của nhân loại. Nhiều sưu tập ảnh đựơc biên tập để xuất bản mà mới đây nhất, Bảo tàng bắt đầu phát hành hai anbum dày dặn những hình ảnh màu về đất nước Trung Hoa cách đây ngót một thế kỷ.
Ở nhà, thi thoảng trên báo chí đăng một vài tấm ảnh màu về Việt Nam được rút ra từ trong một tập anbum đã được xuất bản, có nhan đề “Người quê và cảnh quê Bắc kỳ” (Paysan et Paysannerie du Tonkin) công bố chừng sáu chục tấm ảnh rút ra từ “Thư khố Hành tinh”. Lần này, đến thăm bảo tàng chúng tôi được biết chính xác : Việt Nam có tất cả 1382 đơn vị tài liệu, phần lớn là những tấm ảnh màu trong đó có khoảng hơn mười đơn vị là những đoạn phim ngắn trắng đen. Chừng 90% số ảnh đã được xử lý “số hoá” đưa lên hệ thống tra cứu và xem qua máy tính, số còn lại đang tiếp tục…Nhiều không gian trong khu vườn và toà nhà được sử dụng để trưng bày theo các chủ đề…
Quả thực ai được xem bộ sưu tập ảnh này đều thấy cảm xúc như được đi ngược thời gian về những năm tháng xa xưa, mà một cậu bé con trong ảnh nay cũng đã là người thiên cổ. Còn những thay đổi của cảnh quan làm cho chúng ta càng thấy những giá trị cần được bảo tồn.
Người thực hiện dự án của Albert Kahn trên đất Đông Dương, khi đó là một thuộc địa được đánh giá là “bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa hải ngoại của nước Pháp” (như lời của cựu Toàn quyền, Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut) là Léon Busy (1874-1950), một sĩ quan công binh. Cùng với các thiết bị , ông rời cảng Marseille để đến Hà Nội vào tháng 7-1914. và số ảnh được chụp chủ yếu ở Bắc Kỳ tập trung vào những năm từ 1915 đến 1921.
Con mắt cua nhà nhiếp ảnh và ý tưởng của chủ nhân dự án “Thư khố Hành tinh” khiến cho những tấm ảnh còn lưu giữ được trở nên vô giá. Có khoảng hơn 100 tấm ảnh chưa được xử lý, còn hơn một ngàn tấm ảnh đã hiển thị trên màn hình và một số đã được công bố trên sách in cho thấy rất nhiều điêu bổ ích. Ngoài một số không nhiều những hình ảnh đuợc chụp tại một số địa phương như Lạng Sơn, Sơn Tây, Hải Phòng, Sài Gòn… ảnh chụp về Hà Nội là nhiều hơn cả.
Những di tích như Văn Miếu, Đền Quán Thánh…cho đến cầu Doumer (Long Biên), Phủ Toàn quyền được khảo tả kỹ bằng một công nghệ nhiếp ảnh sử dụng những tấm kính phủ các loại hoá chất đặc biệt , nhưng cho đến nay vẫn giữ được sắc màu tuơi tắn và dường như càng lên hương tựa như những món cổ vật…Nhiều phong tục tập quán, trang phục và diện mạo con người, trong đó có những nhân vật như gia đình Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, Cô Tư Hồng, người đã trúng thầu phá thành Hà Nội… đều được ghi lại. Ngay cả các loại cây cỏ cũng được khảo tả như những vạt bèo, những cây rau, hoa, trái cùng những cánh đồng và lề lối canh tác đều được chụp mà chỉ nhìn ảnh đã thấy cái công phu của người sử dụng những thiết bị cồng kềnh cách đây ngót trăm năm…
Bà quản thủ khu vực dành cho người nghiên cứu (FAKIR) tiếp đón chúng tôi rất niềm nở và tỏ ra cũng biết về câu chuyện thủ đô Hà Nội sắp kỷ niệm một nghìn năm tuổi. Bà giúp tôi được xem lứơt qua trên màn hình máy tính toàn bộ “phông” ảnh về Việt Nam và một số đoạn phim ngắn (trong số này có phim quay Hội Gióng vào năm 1915, một di sản văn hoá phi vật thể đang được trình duyệt lên UNESCO vào những tháng tới). Bà rất nhiệt tình giúp tôi tuyển chọn một số ảnh mình cần và sẵn sàng in vào đĩa chất lượng cao cho tôi sử dụng, với lời căn dặn phải giữ đúng luật bản quyền.
Vì thế mà đi kèm với bài viết này tôi không thể giới thiệu với bạn đọc những tấm ảnh rất đẹp ấy, nhưng xin được “lách luật” bằng việc in bìa (trong và ngoài) để gíơi thiệu với bạn đọc cuốn anbum có giá trị mới được phát hành gần đây nhất của Bảo tàng Albert Kahn mà người biên soạn trân trọng chọn cả 2 tấm ảnh làm bìa đều lấy từ chủ đề Việt Nam mặc dàu nội dung cuốn sách này, có nhan đề “Thê giới sắc màu” là để giới thiệu toàn bộ Bảo tàng Albert Kahn và sự nghiệp “Thư khố Hành tinh” của Ông.
Theo lời hướng dẫn của bà quản thủ, nếu làm đầy đủ thủ tục theo quy định, Bảo tàng sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu để quảng bá giá trị mà Albert Kahn để lại và ngày nay thuộc quyền quản lý của chính quyền vùng “Thượng sông Seine” (Hauts de la Seine) của Thủ đô Paris. Tôi đã nghĩ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Hà Nội đang xây dựng không thể không có những tấm ảnh màu sớm nhất chụp về đất nước và Thủ đô của mình.
Paris 7.2010
Dương Trung Quốc